Cẩm nang kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc

Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và không kém phần quyến rũ, thác Bản Giốc là một điểm đến tuyệt vời mà du khách không nên bỏ lỡ khi du lịch Cao Bằng.

Là một trong những thác nước tự nhiên đẹp nhất Đông Nam Á nằm giữa biên giới Việt Trung, thác Bản Giốc là niềm tự hào và là điểm đến nổi tiếng của du lịch Cao Bằng. Nhưng trước khi đến đây, hãy cùng EFLY tham khảo thêm một số kinh nghiệm và thông tin hữu ích khi du lịch thác Bản Giốc để có một chuyến đi trọn vẹn hơn nhé!

Giới thiệu về thác Bản Giốc Cao Bằng

Thác Bản Giốc ở đâu? Thác Bản Giốc được biết đến là thác nước tự nhiên lớn nhất và đẹp nhất của Đông Nam Á. Đặc biệt con thác này còn được đánh giá là thác nước xuyên biên giới lớn thứ 2 trên thế giới, nằm tại biên giới của hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Từ phía chân thác nếu nhìn lên, phần thác bên trái và nửa tây của thác bên phải sẽ thuộc chủ quyền của Việt Nam và thuộc địa phận Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng. Còn nửa phía đông của thác bên phải lại thuộc chủ quyền của Trung Quốc, trên địa phận thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Thác Bản Giốc là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng

Theo quan điểm của Trung Quốc thì thác Bản Giốc là cặp thác Đức Thiên – Bản Ước, cặp thác này bao gồm thác chính và phụ riêng biệt. Trong đó thác chính là thác Đức Thiên có chiều rộng khoảng 100m, sâu 60m và cao 70m. Còn theo quan điểm của Việt Nam thì thác Bản Giốc sẽ bao gồm cả thác chính, thác phụ, tổng chiều rộng là 208 m. Thác Bản Giốc được chia làm hai phần. Cụ thể phần ở phía Nam là thác Cao, có lượng nước không lớn nên là thác phụ; còn phần nằm ở phía Bắc của biên giới Việt – Trung là thác Thấp và là thác chính. Thác cách Trùng Khánh khoảng 20km về phía đông bắc và cách thủ phủ Nam Ninh, Quảng Tây khoảng 208km.

Con thác này nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, một con sông bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy về hướng biên giới của hai nước rồi vào lãnh thổ nước ta tại Pò Peo, xã Ngọc Khê, Trùng Khánh. Từ Ngọc Khê, con sông này chảy tiếp qua các xã Đình Phong, Chí Viễn và lượn quanh dưới chân núi Cô Muông tại xã Đàm Thủy. Sau đó dòng sông này băng qua các cánh đồng ở Đàm Thủy, bãi ngô trên bản Giốc rồi quay trở lại đường biên giới và tách thành nhiều nhánh khác nhau. Lòng sông ở đây đột ngột trụt xuống khoảng 35m và tạo nên thác Bản Giốc. Dòng thác sau khi đổ xuống chân thác, sông lại quay hẳn vào lãnh thổ của Trung Quốc.

Giữa thác Bản Giốc có một mô đất rộng có nhiều cây và xẻ dòng sông thành 3 luồng nước. Chân thác là mặt sông rộng, hai bên bờ là rừng và thảm thực vật xanh mướt. Cách thác khoảng 5km là động Ngườm Ngao. Đặc biệt ở giữa thác chính còn có cột mốc 53 do Pháp – Thanh xây dựng, được xác định qua hiệp ước về biên giới giữa hai nước năm 1999. Theo hiệp ước này, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về chủ quyền của Việt Nam còn phần thác chính sẽ chia đôi.

Thác Bản Giốc mùa nào đẹp nhất?

Khí hậu ở thác Bản Giốc được chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Tuy nhiên, dù bạn du lịch đến tháng Bản Giốc vào mùa nào đi chăng nữa cũng sẽ cảm thấy hài lòng với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của thác này.

Mùa mưa ở thác Bản Giốc kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 9. Vào thời điểm này, nước thác Bản Giốc cuồn cuộn chảy và tung bọt trắng xóa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy hùng vĩ. Theo kinh nghiệm phượt thác Bản Giốc đây cũng là thời gian rất thích hợp cho các chuyến đi khám phá thiên nhiên của du khách. Nhất là vào thời điểm tháng 8, tháng 9 khi thời tiết Cao Bằng mát mẻ, dễ chịu và dòng thác Bản Giốc cũng hùng vĩ nhất.

Mùa khô ở thác Bản Giốc bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 5 năm sau. Vào lúc này, thác Bản Giốc khá yên bình, làn nước trong xanh, mát rượi. Hơn nữa vào mùa này những cánh đồng ở dưới chân thác cũng bắt đầu chín vàng, khiến cho khung cảnh nơi đây càng trở nên lãng mạn và hấp dẫn hơn.

Đường đi thác Bản Giốc

Thác Bản Giốc cách Hà Nội khoảng 370km vì thế du khách có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau như: xe khách, xe ô tô riêng, xe máy.

+ Nếu đi xe khách bạn có thể đến bến xe Mỹ Đình và chọn các nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Cao Bằng như: Mai Luy, Hiền Lợi, Khoa Mận, Thanh Ly,... Mức giá vé xe dao động trong khoảng 170k – 200k/lượt. Từ bến xe Cao Bằng bạn đón tiếp xe khách chạy tuyến Cao Bằng – Trùng Khánh – Thác Bản Giốc của nhà xe Thành Luân hoặc đón bus số 03 (Cao Bằng – Quảng Yên) và bus 07 (Quảng Yên – Trùng Khánh). Trạm dừng cuối của cả xe khách và xe bus ngay trước cổng khu du lịch thác Bản Giốc. Mức giá vé xe cho chặng này khoảng 70k/lượt. Chuyến xe khách cuối cùng về lại trung tâm thành phố sẽ xuất phát lúc 15h30 còn xe bus là lúc 16h50. Để không bỏ lỡ những chuyến xe này hãy chú ý đến thời gian nữa nhé!

+ Xe máy hoặc xe ô tô riêng: Phượt thác Bản Giốc bằng phương tiện cá nhân cũng là một gợi ý không tồi dành cho bạn. Bởi nếu di chuyển theo cách này, du khách hoàn toàn có thể tự do dừng lại ngắm cảnh dọc đường để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên Cao Bằng và chủ động hơn trong lịch trình khám phá của mình. Nếu chọn di chuyển bằng phương tiện cá nhân bạn có thể lựa chọn một trong hai cung đường đi thác Bản Giốc sau đây:

  • Cung đường thứ nhất: xuất phát từ trung tâm thành phố Hà Nội à cầu Thanh Trì à cao tốc Hà Nội Thái Nguyên à địa phận tỉnh Bắc Kạn à quốc lộ 3 à trung tâm thành phố Cao Bằng.
  • Cung đường thứ hai: di chuyển theo quốc lộ 3 cũ: trung tâm thành phố Hà Nội à Thái Nguyên à Bắc Kạn à Cao Bằng à Trùng Khánh à Bản Giốc.

+ Ngoài ra, du khách cũng có thể đi xe khách lên bến xe Cao Bằng, sau đó thuê xe máy ở thành phố Cao Bằng để đến thác Bản Giốc.

Những địa điểm tham quan không thể bỏ qua

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc

Được mệnh danh là thác nước lớn nhất và đẹp nhất của Đông Nam Á, ngay khi đặt chân đến thác Bản Giốc du khách sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ và tuyệt đẹp với những dòng thác đang cuồn cuộn chảy, tung bọt trắng xóa. Hoặc ngồi trên những chiếc bè nổi du ngoạn trên sông Quây Sơn để được hòa mình vào không gian thiên nhiên mát lành, ngắm nhìn dòng nước trong xanh đẹp mắt.

Ngồi bè nổi du ngoạn trên sông Quây Sơn ngắm nhìn thác Bản Giốc

Hơn thế, nếu đến Bản Giốc vào những ngày nắng du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những chiếc cầu vồng lung linh huyền ảo được tạo ra từ làn hơi nước trông rất lãng mạn và đẹp mắt.

Ngoài ra, mỗi mùa thác Bản Giốc lại mang một nét đẹp quyến rũ riêng biệt. Nếu là người yêu thích sự thanh bình, du khách có thể đến thác Bản Giốc vào độ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, lúc những dòng chảy của Bản Giốc khá hiền hòa và dịu dàng.

Còn nếu là một người thích sự dữ dội, hùng vĩ hãy đến khám phá nơi đây vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, khi những dòng thác ồ ạt tuôn chảy, tung bọt trắng xóa. Hoặc du khách cũng có thể đến Bản Giốc vào đúng mùa lúa chín để vừa được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thác nước, vừa được ngắm nhìn những cánh đồng lúa chín vàng tuyệt đẹp.

Bên cạnh đó, cung đường dẫn đến thác Bản Giốc quanh co uốn lượn cùng bầu không khí trong lành, thiên nhiên thơ mộng cũng hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khó quên.

Cung đường uốn lượn tuyệt đẹp lên thác Bản Giốc

Hồ Thang Hen

Sở hữu độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, hồ Thang Hen là một hồ nước đẹp thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Hồ Thang Hen có hình thoi và rộng khoảng 100 – 300m, dài khoảng 500 – 1000m. Đầu nguồn của hồ là một hang rộng có nước chảy ra suốt ngày đêm. Đặc biệt, theo lời kể của người dân địa phương thì cứ khoảng 10 năm nước hồ sẽ bỗng dưng cạn gần hết nhưng lại dâng lên đầy chỉ một vài ngày sau đó. Hơn nữa, khi mùa lũ về, nước hồ Thang Hen vẫn giữ được màu xanh ngọc bích chứ không phải chuyển qua màu đỏ lựng như những hồ khác trong vùng.

Không chỉ sở hữu khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hồ Thang Hen còn gắn liền với một huyền thoại rất thú vị. Theo truyền thuyết, xưa kia có một chàng trai tên Sung vừa thông minh lại rất tuấn tú. Khi thi đỗ làm quan, chàng được vua ban thưởng cho 7 ngày vinh quy bái tổ. Về quê chàng đã kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Tuy nhiên vì mải quyến luyến bên vợ mà chàng quên mất ngày về kinh, Vào đêm ngày thứ bảy, chàng sực nhớ ra, liền vội chia tay bố mẹ và vợ rồi chạy về kinh. Nhưng giữa rừng tối chàng mới chạy được 36 bước thì ngã đập đầu vào núi và chết. 36 hồ nước lớn nhỏ ngày nay chính là 36 bước chân của chàng, còn nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen.

Động Ngườm Ngao

Theo kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc trong lịch trình khám phá của mình du khách cũng đừng quên ghé thăm động Ngườm Ngao, nằm cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 3km. Hang động này được hình thành từ nhũ đá lâu đời với nhiều hình thù đặc biệt để tạo nên một tổng thể đặc sắc, riêng có.

Suối Lê-nin, hang Pác Bó

Với những du khách yêu thích lịch sử cũng đừng quên ghé thăm suối Lê-nin, hang Pác Bó trong hành trình du lịch thác Bản Giốc của mình. Di tích lịch sử này cách thác Bản Giốc khoảng 50km và là nơi Bác Hồ chọn để làm việc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước.

Trên đây là cẩm nang kinh nghiệm du lịch thác Bản Giốc dành cho bạn. Hãy tham khảo để có thêm những thông tin hữu ích dành cho chuyến khám phá thác Bản Giốc, một trong những con thác tự nhiên tuyệt đẹp của nước ta nhé. Chúc bạn có chuyến đi thật vui vẻ và ý nghĩa!

Bùi Xuân

Bình luận của bạn