Ghé thăm 6 làng nghề truyền thống mang đậm hơi thở cố đô Huế

Sẽ thật thiếu sót nếu như bạn đến Huế chỉ để nhìn ngắm thiên nhiên và thưởng thức ẩm thực. Bởi vùng đất tươi đẹp này còn ẩn danh với những làng nghề truyền thống độc đáo. Vì thế, hãy dành một “khoảng trống” trong chuyến du lịch của bạn để khám phá 6 làng nghề truyền thống mang đậm hơi thở cố đô nhé!

Chạm đến vẻ đẹp của đất Huế mộng mơ, bạn không thể bỏ qua cơ hội để khám phá những làng nghề truyền thống lâu đời với hàng trăm món đồ độc đáo như: Nón bài thơ, đồ gốm xứ, đồ mỹ nghệ,… Nào! Hãy cùng chúng tôi “xâm nhập” từng nơi một nhé!

1. Làng nghề đan lát Bao La

Nằm bên bờ Bắc con sông Bồ thuộc Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, làng nghề đan lát Bao La được xem như “linh hồn” của cả vùng đất này. Những món đồ tre được đan lát dưới bàn tay của người thợ khéo léo dày dặn kinh nghiệm đã tạo nên các món đồ tuyệt đẹp như: dần, sàn, thúng mủng, nong, nia,…

Làng nghề đan lát Bao La nổi tiếng

Ngôi làng gồm nhiều xóm khác nhau và mỗi xóm lại có một hình thức sản xuất đặc trưng, chẳng hạn: Xóm Chợ chuyên sản xuất giần, sàng; Xóm Đông chuyên sản xuất thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên sản xuất rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên sản xuất rổ; Xóm Cầu chuyên sản xuất nong, nia,…

Với những kỹ xảo điêu luyện thì ngày nay làng nghề đan lát Bao La đã có những sản phẩm mới lạ trên thị trường như: Lẵng cắm hoa đa hình dạng, giá sách, đèn treo trang trí nội thất,… du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng kỹ thuật đan lát mà còn có cơ hội mua những món đồ đặc trưng rẻ và chất lượng hơn thị trường rất nhiều.

2. Làng nghề nón lá Huế

Nón lá được xem là một trong những biểu tượng nổi bật của đất nước Việt Nam và nó cũng bắt nguồn từ vùng đất cố đô Huế. Ngày nay, tại Huế đã phát triển rất nhiều các làng nghề truyền thống như: Tây Hồ xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ,… Những chiếc nón lá trở thành một vật lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế đặc biệt là chiếc nón là bài thơ khi đưa ra ánh sánh sẽ đọc được bài thơ trong chiếc nón lá như một món quà bí ẩn mà xứ Huế tặng bạn.

Để có được chiếc nón đẹp đúng chất Huế thì các nghệ nhân làm nón phải là những người có bàn tay khéo léo và điêu luyện, gọt giũa hết sức tỉ mỉ và cần mẫn. Không chỉ có vậy, còn rất nhiều khâu cắt hoa văn, lợp lá, uốn vành, tô màu,… mới hoàn thành nên một chiếc nón nghệ thuật như thế.

3. Làng nghề hương trầm Xuân Thủy ở Huế

Làng nghề hương trầm ở làng Xuân Thủy, phường Thủy Xuân, Tp Huế là một trong những làng nghề thủ công truyền thống chuyên sản xuất loại hương từ cây trầm cực thơm. Với chất lượng số 1 thì hương trầm Xuân Thủy đã có mặt khắp nơi trên thị trường và được đông đảo người dân lựa chọn, đặc biệt là vào những dịp lễ tết.

Làng nghề hương trầm Xuân Thủy ở Huế

Hiện nay, tại làng Xuân Thủy có hơn 40 hộ sản xuất các loại hương trầm đa dạng kiểu mã khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo hương vị dịu nhẹ đặc trưng. Du khách đến đây sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tay nghề và cách làm hương truyền thống mang nét độc đáo của xứ Huế.

4. Làng nghề gốm Phước Tích

Làng nghề gốm Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây chuyên sản xuất những món đồ truyền thống như: Lu, ghè, thạp, thống, om, tu huýt, bùng binh, lo hoa,… Không chỉ là những sản phẩm phổ biến trên thị trường Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc,.. cũng chọn các món đồ này để sử dụng và bày trí.

Tuy rằng ngày nay đã có nhiều các mặt hàng gốm sứ, đúc đồng khác thay thế nhưng làng nghề Phước Tích vẫn có một thế đứng vững chắc và mang trong mình một hơi thở gần gũi, ấm áp đối với mọi du khách thập phương.

5. Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên

Thuộc địa phận xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, làng nghề Hoa Giấy Thanh tiên nổi danh với những sản phẩm truyền thống luôn mang vẻ tươi mới độc đáo. Nơi đây chuyên sản xuất những sản phẩm hoa giấy để trang trí ở nơi thờ tự như: miếu, trang ông bà, bàn thờ táo quân,… đa dạng màu sắc và hình thức nhưng vẫn đảm bảo được tính trang nghiêm.

Những sản phẩm này được bán chạy vào các dịp lễ tết khi các hộ gia đình có mong muốn tu sửa và làm mới lại những phần thờ cúng trong gia đình của mình. Hoa sen giấy Thanh Tiên là một sản phẩm đặc sắc mang “linh hồn” của dân tộc Việt nam và đã có mặt tại các nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc,…

6. Làng nghề Kim hoàn Kế Môn

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 40km, làng nghề Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây nổi tiếng với ngành nghề Kim Hoàn hay còn gọi là ngành nghề gia công trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc vô cùng độc đáo.

Kiệt tác nghệ thuật của làng nghề truyền thống Kim Hoàn

Hiện nay, những mặt hàng của làng nghề truyền thống này đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước, phổ biến là các tỉnh phía Nam bởi nhu cầu sử dụng trang sức, trang trí cao hơn so với những khu vực khác.

Bước chân du lịch của bạn chỉ trọn ven khi được khám phá hết mọi vẻ đẹp ẩn mình trong những ngóc ngách. Chính vì lẽ đó mà khi đến Huế thì ngoài việc chiêm ngưỡng thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực thì hành trình khám phá những làng nghề truyền thống cũng là điều độc đáo không nên bỏ lỡ. Nhanh chân lên, hãy dành cho mình một chuyến du lịch thật “hoành tráng” và đáng nhớ tại thành phố thơ mộng này nhé!

Thanh Vân

 

Bình luận của bạn