Trọn bộ cẩm nang du lịch Hải Dương chi tiết nhất

Cùng cẩm nang du lịch Hải Dương lưu lại các địa điểm tham quan, những đặc sản nổi tiếng nhất định phải thử để khám phá vùng đất này trọn vẹn hơn nhé!

Hải Dương là điểm đến lý tưởng dành cho những du khách yêu sự cổ kính, thích khám phá lịch sử hay văn hóa tâm linh. Tuy nhiên trước khi thực hiện chuyến hành trình đến đây hãy bỏ túi cẩm nang du lịch Hải Dương chi tiết nhất sau đây để biết nên đi đâu, chơi gì nhé!

Hải Dương ở đâu?

Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng nước ta, cách Hà Nội khoảng 57km về phía đông, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía Tây. Phía Bắc của Hải Dương giáp với Bắc Giang, còn phía đông giáp với Hải Phòng, phía tây giáp với Bắc Ninh và phía nam giáp với Thái Bình.

Du lịch Hải Dương là điểm đến yêu thích của nhiều du khách hiện nay - EFLY

Từ lâu Hải Dương là một địa điểm du lịch được rất nhiều du khách yêu mến và nổi tiếng với hàng trăm khu di tích lịch sử văn hóa cùng hàng nghìn giai thoại về các danh nhân lịch sử văn hóa như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh,... Bên cạnh đó Hải Dương còn là nơi sở hữu những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, ẩm thực phong phú với nhiều đặc sản hấp dẫn.

Nên đi du lịch Hải Dương thời điểm nào?

Hải Dương sở hữu kiểu khí hậu thay đổi rõ rệt theo từng mùa. Và theo kinh nghiệm du lịch Hải Dương, mùa thu chính là thời điểm đẹp nhất và thích hợp nhất để khám phá địa điểm này. Bên cạnh đó du khách cũng có thể đến Hải Dương vào mùa hè. Mặc dù thời tiết khá nắng nóng nhưng đổi lại bạn sẽ được thưởng thức vải Thanh Hà, một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Hải Dương.

Vào mùa đông và đầu mùa xuân, thời tiết Hải Dương rất lạnh và còn có mưa phùn. Vì thế lời khuyên dành cho bạn là không nên du lịch Hải Dương vào những thời điểm này.

Cách di chuyển đến Hải Dương

Để đến Hải Dương, du khách có thể di chuyển bằng các cách sau đây:

+ Máy bay: Nếu ở xa, du khách có thể di chuyển bằng máy bay về sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Sau đó từ Hà Nội di chuyển tiếp bằng xe bus hoặc taxi để về Hải Dương.

+ Tàu hỏa: Nếu không đi bằng máy bay, du khách cũng có thể chọn di chuyển bằng tàu hỏa để về Hà Nội, rồi mua vé tàu Hà Nội về Hải Dương. Lưu ý dành cho bạn là vé tàu Hà Nội – Hải Dương chỉ có các chuyến ban ngày mà thôi.

+ Xe khách: Từ khắp các nơi trên cả nước bạn có thể dễ dàng bắt xe về Hải Dương. Nếu xuất phát từ Sài Gòn bạn có thể chọn một số hãng như: Thắng Lợi, Nhẫn Việt, Hoàng Phong, An Sinh với mức giá vé khoảng 600.000 – 800.000 VNĐ.

+ Di chuyển bằng phương tiện cá nhân: Hải Dương cách Hà Nội khoảng 57 km, vì thế với những du khách ở gần bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân như: xe máy, xe ô tô,... để về Hải Dương.

+ Xe bus Hà Nội – Hải Dương: cứ khoảng 15 phút sẽ có một chuyến xe bus xuất bến chạy từ Hà Nội về Hải Dương. Thời gian hoạt động từ 5h – 19h.

+ Xe khách Hà Nội – Hải Dương: bạn có thể mua vé xe khách tại các bến xe Lương Yên với mức giá vé khoảng 50.000 VNĐ và cứ cách 15ph sẽ có một lượt xuất bến.

Những địa điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ lỡ

Khu di tích danh thắng Côn Sơn

Một trong những cảnh đẹp thành phố Hải Dương mà du khách không nên bỏ lỡ đó chính là khu di tích danh thắng Côn Sơn. Khu di tích này nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân thuộc xã Cộng Hòa, Chí Linh và là nơi gắn liền với cuộc đời của rất nhiều danh nhân nổi tiếng như: Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó đây còn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt. Côn Sơn có khung cảnh thiên nhiên hữu tình và thơ mộng với rừng núi, suối hồ đan xen hòa hợp với nhau.

Danh thắng Côn Sơn với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và hữu tình

Hiện nay, khu di tích này là nơi còn lưu giữ rất nhiều di tích văn hóa thời nhà Trần có nhiều giá trị như:

+ Chùa Côn Sơn: Ngôi chùa này còn được gọi là chùa Hun, chùa Kỳ Lân, tên chữ là Thiên Tư Phúc tự. Chùa Côn Sơn tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn và được xây dựng trước thời nhà Trần. Dưới thời nhà Trần chùa Côn Sơn được xếp là một trong 3 thiền phái Trúc Lâm của nước ta bao gồm: Yên Tử, Côn Sơn, Quỳnh Lâm. Đến thời vua Lê, nơi đây được trùng tu và mở rộng thêm. Tuy nhiên trải qua nhiều biến cố của thời gian, ngôi chùa đã bị thu hẹp hơn và có kiến trúc theo kiểu chữ công như hiện nay với 3 phần: Tiền Đường, Thiên Hương và Thượng Điện. Trong chùa hiện có những pho tượng Phật từ thời nhà Lê có chiều cao 3m. Phía sau chùa là nhà tổ, nơi đặt tượng Trúc Lâm tam tổ gồm: Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang, tượng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, ông bà Trần Nguyên Đán. Đặc biệt trước sân chùa là cây đại thụ có tuổi đời trên 600 năm, 4 nhà bia trong đó nổi bật là bia “Thanh Hư động” từ thời Long Khánh có để lại bút tích của vua Trần Duệ Tông.

+ Giếng Ngọc: tọa lạc tại sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Đăng Minh Bảo Tháp, phía bên phải là lối dẫn vào Bàn cờ Tiên. Theo tương truyền, Giếng Ngọc là do thần linh báo mộng cho thiền sư Huyền Quang ban cho chùa nước quý. Nước trong giếng trong vắt, khi uống có cảm giác rất dễ chịu và thư thái. Hiện nay nước giếng sẽ được dùng để làm nước cúng trong các nghi lễ của chùa.

+ Bàn cờ Tiên: nằm trên đỉnh núi Côn Sơn với độ cao 200m, Bàn cờ Tiên là một phiến đá rộng giống hình bàn cờ nằm ở khu đất bằng phẳng trên đỉnh núi. Khu vực này hiện nay còn được xây thêm đình Vọng Lâu cao 2 tầng và các 8 mái. Từ đình Vọng Lâu du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để bao quát cả một vùng rộng lớn.

+ Thạch Bàn: đây là một tảng đá lớn, có bề mặt phẳng nhẵn, nằm bên bờ suối Côn Sơn. Tương truyền Thạch Bàn chính là nơi Nguyễn Trãi thường nằm nghỉ ngơi, ngắm cảnh làm thơ và suy nghĩ việc nước.

Đền Tranh

Nằm gần với bến Đò Tranh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh và là nơi thờ vị thần sông nước coi khúc sông. Mỗi năm nơi đây lại tổ chức các lễ hội với quy mô lớn, thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách và là một trong những lễ hội lớn của Hải Dương.

 

Đền Tranh Hải Dương

Đền Cao An Phụ

Ngôi đền này tên tự là An Phụ Sơn Từ, là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo, thuộc địa phận xã An Sinh, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Ngôi đền được xây dựng từ thời Trần với các công trình kiến trúc và dấu tích lịch sử mang yếu tố tâm linh.

Đền Kiếp Bạc

Đền Kiếp Bạc nằm cách Côn Sơn khoảng 5km. Tên Kiếp Bạc của ngôi đền được ghép từ tên hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc), thuộc địa phận xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ngôi đền này là nơi thờ Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ thế kỷ XIV với vị trí nằm giữa thung lũng Kiếp Bạc. Đến với đền Kiếp Bạc du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng và uy nghiêm của ngôi đền hoặc tham gia lễ hội đền Kiếp Bạc diễn ra vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hằng năm.

Chùa Kính Chủ

Thuộc làng Dương Nham, xã An Sinh, huyện Kinh Môn, Hải Dương, chùa Kính Chủ là ngôi chùa được tạo thành bởi động Kính Chủ. Ngôi chùa này là nơi thờ Phật, thiền sư Minh Không, vua Lý Thần Tông và Huyền Quang.

Đảo cò Chi Lăng Nam

Đảo cò Chi Lăng Nam là một trong những điểm du lịch vô cùng cuốn hút của Hải Dương. Đảo cò này nằm giữa lòng hồ An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện và là nơi sở hữu hệ sinh thái “độc nhất vô nhị” ở miền Bắc.

Đảo cò Chi Lăng Nam có diện tích khoảng 3200 m2 và là nơi cư trú của trên 15000 con cò, 5000 con vạc. Trong số đó có 7 loại cò quý như: cò trắng, cò nghênh, cò ngang, cò ruồi, cò bợ, cò diệc, cò lửa; 3 loại vạc gồm: vạc lưng xanh, vạc xám, vạc cao. Đến đảo cò du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những đàn cò trắng muốt chao nghiêng trên mặt hồ An Dương vô cùng đẹp mắt.

Rừng rễ Chí Linh

Nếu đang tìm kiếm một địa điểm check in đẹp ở Hải Dương thì rừng rễ nằm cạnh rừng thông ở phía nam của chân núi Côn Sơn, thị xã Chí Linh sẽ là gợi ý hoàn hảo dành cho bạn. Đến đây bạn sẽ được hòa mình vào một khung cảnh thiên nhiên xanh mát với không gian yên bình, thư giãn và không khí cực trong lành, sảng khoái.

Du lịch Hải Dương nên ăn gì?

Bánh đậu xanh

Đây là một trong những loại bánh đặc sản nổi tiếng của Hải Dương, có từ những năm đầu thế kỷ XX. Bánh đậu xanh được làm từ bột đậu xanh xay nhuyễn với đường, dầu ăn, mỡ heo. Tiếp đó bánh sẽ được ép thành từng miếng có dạng hình vuông và cắt theo khối hình lập phương nhỏ hoặc là hình tròn. Bánh đậu xanh có màu vàng tươi, khi ăn rất ngọt, bánh mịn nên dễ tan khi cho vào miệng và đặc biệt rất thơm.

Bánh đậu xanh có màu vàng tươi và rất thơm ngon

Bánh gai Ninh Giang

Bên cạnh bánh đậu xanh, Hải Dương còn có đặc sản khác là bánh gai, trong đó nổi tiếng nhất, ngon nhất vẫn là bánh gai Ninh Giang. Bánh gai Ninh Giang được làm từ bột gạo nếp loại ngon đem giã nhuyễn với lá gai để có màu đen huyền.

Vải Thanh Hà

Vải Thanh Hà thơm ngon đặc biệt và là một trong những sản vật nổi tiếng của Bắc Bộ. Vải ở đây có nguồn gốc từ Trung Quốc do ông Hoàng Văn Cơm thuộc thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, Thanh Hà mang giống về trồng.

Bún cá rô đồng

Về Hải Dương du khách cũng đừng quên thưởng thức món bún cá rô đồng với hương vị mới lạ và hấp dẫn. Cá để làm nên món ăn này là loại cá rô đồng, sau khi bắt về sẽ được làm sạch. Tiếp đến cá sẽ được chia thành 2 phần, phần đầu và xương được dùng để ninh làm nước dùng còn phần thịt sẽ bày ra tô với bún. Khi ăn sẽ ăn kèm với rau sống, nặn thêm chút chanh và một ít ớt.

Rươi

Rươi ở Hải Dương sẽ được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: bánh rươi, nem rươi, chả rươi, lẩu rươi,... Trong đó ngon nhất và được nhiều du khách yêu thích hơn cả vẫn là món chả rươi.

Món chả rươi

Trên đây là cẩm nang du lịch Hải Dương chi tiết nhất mà du khách có thể tham khảo thêm. Hãy lưu vào sổ tay kinh nghiệm du lịch của mình những kinh nghiệm và thông tin hữu ích này để khám phá Hải Dương một cách trọn vẹn nhé! Chúc bạn có chuyến đi thật vui vẻ và ý nghĩa!

Bùi Xuân

Bình luận của bạn