Những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An

Hầu hết, du khách đi Hội An đều mong muốn có cơ hội khám phá và trải nghiệm những làng nghề nổi tiếng tại nơi đây, và cũng chính các làng nghề này đã tạo dựng nên một Hội An đầy đủ sắc màu và đặc trưng riêng mà không phải địa phương nào cũng có được.

Một góc yên bình nơi phố Hội

Có thể nói, các làng nghề truyền thống tại Hội An là một bộ phận rất quan trọng và không thể tách rời khỏi kho tàng di sản văn hóa Hội An. Chúng được xem là sự kết tinh của quá trình lao động đầy sáng tạo, năng động của các tầng lớp cư dân kế tục nhau trên mảnh đất Hội An… Ngày nay, với sự phát triển của du lịch thì một số làng nghề nổi tiếng của Hội An đã tham gia vào sự phát triển du lịch. Nào, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để ghé đến tham quan những làng nghề nơi đây nhé!

Làng mộc Kim Bồng

Nằm tại xã Cẩm Nam, làng mộc Kim Bồng Hội An là một trong những làng nghề truyền thống có tuổi đời lên đến 600 năm. Trong thời nhà Nguyễn, Kim Bồng là cái tên nổi tiếng nhất nhì với những tác phẩm mộc tinh xảo, độc đáo với từng con thuyền, nhà cửa. Kiến trúc tinh tế của từng ngôi nhà hay ngôi chùa phố cổ Hội An đều được thiết kế bởi bàn tay tài hoa của các thợ mộc Kim Bồng.

Khi đặt chân đến làng mộc Kim Bồng, thật không khó để có thể nghe thấy tiếng đục đẽo, khoan cắt. Những âm thanh này có lẽ đã trở thanh một phần của đời sống người dân làng mộc.

 Làng mộc Kim Bồng với những tác phẩm được điêu khắc vô cùng tinh xảo

Ngày nay, làng mộc Kim Bồng không còn đóng thuyền, làm nhà như xưa nữa, mà thay vào đó là sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm mộc tại làng nghề này được đánh giá nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh xảo. Tại đây, du khách có thể tìm mua cho mình những bức hoàng phi, tượng gỗ, ghế ngồi hay cả những món đồ chơi nhỏ độc đáo được đánh bóng nhẹ nhất để giữ màu sắc tự nhiên.

Đến đây, du khách còn có cơ hội dạo quanh làng mộc bằng xe đạp, tìm hiểu các công việc thường ngày của người nông dân hay thăm thú cuộc sống bình dị người dân làng mộc, được dịp tận mắt quan sát các quá trình những nghệ nhân chế tác nên những sản phẩm chạm khắc cực kì tinh tế và sắc nét nữa đấy.

Làng chài Thanh Nam

Đi phà từ bến cảng Cửa Đại sẽ đến được làng chài Thanh Nam, một nơi nổi tiếng với du khách Hội An, đặc biệt là tour đi xe đạp dạo quanh làng từ buổi sáng sớm, khi những con thuyền đầy ắp cá trở về để bán cho người dân, buổi sáng với những chiếc lá nhấp nhô của cư dân làng chài khi họp chợ, rồi cả những bộ đồ ngủ và cá.

Ngôi làng đặc biệt là niềm yêu thích của nhiều nhiếp ảnh gia đến đây, hay cho những ai thích đi dạo một mình bằng xe máy quanh làng. Hòn đảo Thanh Lam có cảnh đẹp đặc trưng của làng chài Hội An thôn quê diễm lệ cùng bãi biển đầy cát mịn thơ mộng.

Làng rau Trà Quế

Trà Quế là tên của một ngôi làng ở Hội An nổi tiếng nghề gì nhỉ? Đó chính là làng rau “xanh – sạch – đẹp” tại nơi này đấy. Làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà, nằm cách khu phố cổ Hội An khoảng 2km về hướng Đông Bắc, được bao bọc xung quanh bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế. Không khí trong lành, đất đai màu mỡ, gọi là làng rau truyền thống quả không sai bởi điều kiện tự nhiên hoàn toàn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Hơn nữa, đến với làng rau truyền thống này, bạn sẽ có cơ hội được sống như một người nông dân thực thụ, được tham gia các công việc đồng áng từ làm đất, tưới nước cho đến bón phân, hái rau. Còn được tham gia làm những món ăn dân dã như gỏi, mì Quảng, cao lầu, bánh xèo… và thưởng thức chúng cùng với các món rau tươi ngon tại Trà Quế.

Làng rau hơn 500 năm tuổi này nổi tiếng với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng. Từ xưa đến nay, làng rau này nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như rau húng, é, tía tô… Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội tụ đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Nhờ hương vị đặc biệt này mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món dân dã đặc trưng của Hội An như: hến trộn, mì Quảng, cao lầu…

Làng gốm Thanh Hà

Nhắc đến Hội An là nhắc đến làng gốm Thanh Hà, bởi đồ gồm là một hình ảnh gắn liền với phố cổ. Nằm cách Hội An khoảng 3km về hướng Tây, làng gốm đã trở thành địa điểm thu hút không ít khách du lịch bởi vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, không gian nơi đây mang hơi thở của đất.

Làng gốm Thanh Hà là một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về làng gốm Hội An nói chung và làng nghề Quảng Nam nói riêng. Các sản phẩm tại đây không chỉ được tạo từ đất sét mà còn là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo miệt mài, khéo léo, cùng với đó là tình yêu nghề của các nghệ nhân – những người con của quê hương Xứ Quảng.

Giá vé làng gốm Thanh Hà chỉ khoảng từ 25.000 – 30.000đ để có thể chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm, các loại mặt hàng lưu niệm đủ kiểu dáng và màu sắc, vô cùng đa dạng. Hơn nữa, du khách còn được tự tay làm đồ gốm cho mình nữa đấy. Thật tuyệt vời phải không nào!

Làng nghề làm đèn lồng

Phố cổ Hội An cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống rất đáng tự hào, trong đó ấn tượng với du khách nhiều nhất có lẽ là làng nghề đèn lồng ở Hội An. Nghề làm đèn lồng có niên đại lên đến 400 năm, là làng nghề để lại nhiều dấu ấn cho khu phố cổ. Nghề làm đèn lồng Hội An cũng được vinh danh là làng nghề tiêu biểu của Việt Nam trong tổng số 9 làng nghề truyền thống trong cả nước được hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng năm 2011.

 Làng nghề làm đèn lồng đã khiến Hội An thêm thơ mộng và lãng mạn về đêm

Nghề làm đèn lồng Hội An ngày trước còn có tên là Xã Đường, chuyên làm đầu lân và lồng đèn cho những đêm hội. Ngày nay, với nhiều cả tiến về mẫu mã và kiểu dáng không chỉ để bán làm quà lưu niệm cho du khách, mà còn tô điểm thêm vẻ đẹp lãng mạn nơi phố cổ.

Làng đúc đồng Phước Kiều

Với tuổi đời lên đến hơn 400 năm, làng đúc đồng Phước kiều không chỉ là làng nghề thông thường mà còn là điểm du lịch cực hấp dẫn của hội An. Đến thăm Phước Kiều, bạn sẽ thấy các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè như chiêng, phèng, là... và cả các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày như nồi, niêu, xoong, chảo, chén, bát... Sau khi kết thúc chuyến tham quan phố cổ, bạn có thể ghé thăm tại làng đúc đồng Phước Kiều để có thể chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm độc đáo và vô cùng tinh xảo.

Còn chần chừ gì nữa mà không mau đến Hội An ngay đi nào, đến để khám phá, để tìm hiểu về những làng nghề truyền thống tại nơi này và cùng tận hưởng một chuyến đi cực thú vị và ý nghĩa bên những người thân yêu nhé!

Bình luận của bạn