“Xiêu lòng” với chuyến du lịch Bạc Liêu – “xứ sở tình yêu”

Mang trong mình vẻ đẹp với khung cảnh sông nước hữu tình và những nét đẹp văn hóa được kế thừa từ ngàn xưa, miền Tây luôn là điểm “nóng” của các hội phượt ở khu vực miền Nam. Nơi mà mỗi tuần “hội bạn thân” có thể vi vu bằng xe máy đi hết những địa điểm nổi tiếng, ăn cho bằng hết những món đặc sản, và trên hết là chụp cả nghìn bức ảnh “câu like”,… Hành trình của bạn có thể là từ Long An, Bến Tre, và vùng cây trái Tiền Giang thậm chí xuống tận Kiên Giang, Cà Mau,… Tuy nhiên chuyến phượt của những người “mê di chuyển” chắc chẳng thể nào sót “vùng đất giấc mơ tình yêu” - Bạc Liêu.

 Đờn ca tài tử biểu tượng của tỉnh Bạc Liêu

Những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến Bạc Liêu

Được thành lập vào ngày 20/12/1899, Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng bằng sông Cửu Long. Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 280 km, vùng đất này được biết đến nhờ huyền thoại “công tử Bạc Liêu dùng tiền nấu trứng”. Chưa kể với thiên nhiên ưu ái dành tặng nhiều danh thắng đẹp mê hồn, tỉnh Bạc Liêu cũng là một địa chỉ đáng quan tâm của tín đồ mê du lịch. Từ những trải nghiệm như tắm nắng trên các bãi cát trắng mênh mông, chinh phục những ngọn núi trùng điệp hùng vĩ, cho đến thám hiểm đến các khu rừng tràm, đước bạt ngàn xanh tươi,… tất cả đều khiến du khách lần đầu tiên du lịch Bạc Liêu sẽ phải “xiêu lòng” ngay lập tức.

Tham quan sân chim Bạc Liêu

Đến với sân chim Bạc Liêu du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động và phong phú. Một trong những điểm du lịch sinh thái được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Sân chim Bạc Liêu nơi sinh sống của nhiều loài chim quý hiếm

Sân chim Bạc Liêu nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, cách trung tâm thành phố chỉ 6 km. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha (trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh), đây hiện là sân chim tự nhiên và hoang dã lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sân chim là nơi làm tổ của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen… Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa (bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10).

Hóa thân thành “diêm dân” ở đồng muối Bạc Liêu

Với những ai yêu thích trải nghiệm ở vùng nắng gió của biển thì hóa thân thành những “diêm dân” trên ruộng muối sẽ là một điều thú vị. Ở các cánh đồng muối Bạc Liêu đó, bạn không chỉ được hòa mình vào bầu không khí rộn ràng mà còn có thể tham gia cùng diêm dân thu hoạch muối. Có như thế bạn mới thấu hiểu nỗi vất vả của những diêm dân suốt ngày “cắm mặt cho đất, phơi lưng cho trời” trong cái nắng oi bức của vùng ven biển.

Tỉnh Bạc Liêu là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu. Bạn sẽ không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy những cánh đồng muối trắng tinh tươm, ngay hàng thẳng lối chia đều theo từng ô chạy dài đến tận đường “chân trời”.

Đồng muối Bạc Liêu điểm đến quen thuộc của những “phó nháy”

Hành hương lễ phật ở chùa Xiêm Cán

Nếu những ai muốn tìm hiểu về kiến trúc một ngôi chùa Khmer cũ. Hay đơn giản là muốn biết về phong cách cũng như văn hóa của người Khmer thể hiện ra sao thì xin hãy đến chùa Xiêm Cán Bạc Liêu. Chùa nằm cách thành phố khoảng chừng 7 cây số (cùng đường đi đến sân chim Bạc Liêu).

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 trong khuôn viên 50.000 m2, chùa Xiêm Cán là ngôi chùa đặc trưng của người Khmer tại Bạc Liêu. Ngôi chùa gây ấn tượng mạnh với khách tham quan bởi những họa tiết, hoa văn chạm trổ tỉ mỉ đến từng chi tiết. Xiêm Cán có hai tông màu chủ đạo là vàng và đỏ, nó khiến chùa nổi bật hẳn trong một không gian xanh yên bình và mộc mạc. Đi từ xa cả cây số du khách cũng có thể dễ dàng nhận diện được màu vàng óng ánh của chùa, với kiến trúc tinh vi, đặc sắc.

Điểm nhấn của chùa là 3 ngọn tháp kiểu Ăng-ko được trang trí bằng hình rắn nhiều đầu và được thợ điêu khắc tạo hình rất công phu ở phía trên cổng vào. Từ cái cổng này đi vào khuôn viên chùa tầm 100 mét. Đường vào chùa thông thoáng và rất sạch sẽm hàng cây hai bên tỏa bóng mát rượi. Cấu trúc chùa bao gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi và tháp đựng hài cốt, am. Nơi bạn có thể hiểu rõ hơn về nét văn hóa tín ngưỡng, tập tục của người Khmer.

 Cổng vào của chùa Xiêm Cán

Khám phá kiến trúc người Hoa ở Phước Đức cổ miếu

Phước Đức cổ miếu hay còn được gọi là chùa Bang là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa ở tỉnh Bạc Liêu. Miếu được xây dựng từ năm 1810 bằng đá đơn sơ, là nơi thờ phụng các vị thần như Bổn Đầu Công (ông Bổn), Thần Nông, Thổ công, Quan Đế, ông bà Công Mẫu,… trong đó thờ Ông Bổn là chính.

Khi đến đây du khách có thể dễ dàng nhận thấy toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật quy mô và hoàn mỹ từ đầu xiên, đầu kèo cho đến các bức tượng điêu khắc tinh tế hình những linh thú. Tồn tại hơn một 100 năm, thậm chí có hơn nên tất cả những cổ vật bên trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Chính vì thế, Phước Đức cổ miếu Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện tại Phước Đức đang tọa lạc tại số 74 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu.

Dạo chơi tháp cổ Vĩnh Hưng

Một địa điểm cổ kính khác mà bạn có thể đến khi ghé Bạc Liêu đó là tháp cổ Vĩnh Hưng, nằm ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi các thành phố chừng 20 cây số. Tháp Vĩnh Hưng đã đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt đây còn được xem là di tích cổ duy nhất mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Ăng-ko của người Khmer còn xót lại và bảo tồn cho đến ngày nay ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tháp cổ Vĩnh Hưng di tích cổ duy nhất theo phong cách thời Ăng-ko

Theo các tài liệu cổ ghi chép lại thì tháp cổ Vĩnh Hưng Bạc Liêu được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên. Mục đích xây tháp là để thờ một vị vua Khmer có tên là Yacovar – Man. Tháp được hình thành trên một doi đất, với phần chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6 mét, cạnh kia dài 6,9 mét và độ cao 8,9 mét. Cả công trình được xây bằng gạch khép kín, dù nhìn kỹ vẫn không thấy vữa kết dính (đỉnh tháp đã bị sập).

Phía trong tháp có một bàn tay tượng thần, một phần thân dưới của tượng nữ thần, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng, tượng nữ thần bằng đá xanh, tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng và đầu tượng Phật bằng đồng,... Hiện nay, Vĩnh Hưng không chỉ là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà còn là điểm đến thường xuyên của các nhà khảo cổ. Bởi họ tin rằng một phần văn hóa Óc Eo vẫn còn ẩn chứa đâu đây.

Thu hoạch trái cây ở vườn nhãn cổ trên trăm tuổi

Không phải nói thì ai cũng biết vùng đất “chín rồng” là xứ sở của vườn cây ăn trái, trong đó nhãn là loại cây được nhiều tỉnh trồng nhất ở đây. Và tỉnh Bạc Liêu tự hào có được vườn nhãn cổ trên trăm tuổi, với những cây nhãn cổ thụ mấy người ôm không xuể. Vườn nhãn này hiện nằm song song với bờ biển, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6 km và cách bờ biển 3 km. Với diện tích 50 ha, vườn nhãn này có sức chứa khủng khiếp cũng như có thể đáp ứng sở thích ăn uống của các “thần lợn”.

Thường vườn nhãn chỉ mở cửa vào đúng mùa thu hoạch, thời điểm này đến đây du khách có thể thử trải nghiệm làm dân miệt vườn thu hoạch hái trái. Cảm giác ăn những trái chín vừa mới hái xuống cũng thú vị không kém nhé. Bạn sẽ được thưởng thức mùi vị quyến rũ của những chùm nhãn thơm ngon. Ngoài ra, tại đây bạn cũng có thể được nếm thử những món đặc sản biển nổi tiếng ở xứ “dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”.

Chưa dừng lại ở đó, tại vườn nhãn cổ trăm tuổi Bạc Liêu này bạn còn được thưởng thức những bài “Dạ cổ hoài lang” mồi mẫn bởi chính các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện. Trong cái không gian gió mát được ngồi thưởng thức đặc sản lại còn được nghe những giai điệu mượt mà của các ban nhạc đờn ca tài tử thì thử hỏi có cái thú “tiêu dao” nào bằng.

Ghé thăm ngôi nhà huyền thoại của công tử Bạc Liêu

Nếu nói đến những điểm đến được yêu thích nhất ở Bạc Liêu thì đó hẳn sẽ là ngôi nhà của công tử Bạc Liêu. Đây được xem là địa điểm du lịch khiến du khách tò mò nhất. Nhà công tử Bạc Liêu gắn liền với giai thoại các chàng công tử Bạc Liêu nổi tiếng vùng Lục tỉnh Nam Kỳ ngày xưa. Ngôi nhà nằm tại số 31, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Hiện tại thì ngôi nhà này đã được chuyển thành khách sạn công tử Bạc Liêu.

Được biết nguyên vật liệu xây ngôi nhà này được đặt từ Pháp về. Kiến trúc của ngôi cũng mang đậm phong cách của Pháp, khi vừa hoàn tất thì đây gần giống như một “lâu đài” nguy nga bề thế và đồ sộ nhất vùng Nam Kỳ lục tỉnh trong giai đoạn đầu thế kỷ thứ 20.

Tại đây, ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, bạn còn có cơ may nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ. Chỉ cần lướt qua những món đồ nội thất được trưng bày bên trong ngôi nhà bạn sẽ hiểu cuộc sống xa hoa của vị công tử dám đốt tiền để nấu trứng ra sao rồi đấy.

Chiêm ngưỡng khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cao Văn Lầu hay còn được gọi là Sáu Lầu, (22/12/1892 – 13/8/1976) là một nhạc sĩ và là tác giả bài "Dạ cổ hoài lang", một ca khúc đã đi sâu vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ. Và nó như một biểu tượng của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Để tưởng nhớ đến vị nhạc sĩ đa tài cũng như khẳng định vị thế của bản “Dạ cổ hoài lang”, năm 2013 khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã ra đời.

Khung cảnh ở khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm này chính là nơi an nghỉ cuối cùng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đến đây bạn sẽ được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông, quá trình phát triển nghệ thuật từ bản Dạ cổ. Bên cạnh đó, khi ghé qua đây bạn còn được dịp tham quan miễn phí các phòng trưng bày hình ảnh về trang phục, nhạc cụ, mô hình sáp về đờn ca tài tử,…

Dạo chơi ở khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch Nhà Mát nằm ở phường Nhà Mát, thuộc thị xã Bạc Liêu là khu du lịch nghỉ mát, sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với khu vui chơi giải trí lớn nhất Bạc Liêu. Nơi thu hút nhất ở khu du lịch này đó là bãi tắm nhân tạo ven bờ biển, địa điểm diễn ra nhiều hoạt động giải trí sôi nổi dành cho du khách.

Ấn tượng ban đầu nhiều người tiết lộ khi đến đây đó là nhìn thấy cổng vào khu bãi tắm có hình con bạch tuộc nâng chiếc thuyền nhìn khá đẹp mắt. Đi vào phía bên trong bãi tắm còn được nhìn ngắm những dãy núi nhân tạo hang động và một chiếc đàn kìm khổng lồ. Điều này ngầm ý khẳng định Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” đã hình thành và phát triển đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.

Với quy mô “không kém cạnh” gì các khu du lịch lớn ở Sài Gòn như Suối Tiên, Đầm Sen,… Khu du lịch Nhà Mát Bạc Liêu cũng được xem là một địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến “xứ sở tình yêu”.

Chụp ảnh ngàn kiểu tại cánh đồng quạt gió Bạc Liêu

Bạn thích thú với những bức ảnh chụp cối xay gió ở đất nước Hà Lan và luôn ao ước được một lần đến và chiêm ngưỡng khung cảnh đó, nhưng lại không đủ điều kiện để có thể đi xa. Vậy thì bạn hãy đến cánh đồng quạt gió Bạc Liêu, nơi có không cảnh chẳng khác gì với vùng trời Châu Âu xinh đẹp kia. Ở đó bạn có thể thỏa sức diễn sâu để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Khu vực cánh đồng quạt gió Bạc Liêu là Nhà máy điện gió mới. Từ trung tâm thành phố bạn sẽ phải mất gần nửa giờ lái xe. Ngay từ xa là bạn sẽ nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Nơi đây chính là địa điểm chụp ảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Bạc Liêu.

Nhớ nhé, nếu có cơ hội đến tỉnh Bạc Liêu thì đừng quên check in ngay những địa điểm nổi tiếng này nhé! Hy vọng rằng sau bài viết này những ai có sở thích du lịch sẽ có thêm hiểu biết về văn hóa cũng như con người Bạc Liêu để có thể thực hiện chuyến hành trình khám phá Bạc Liêu “giấc mơ tình yêu” của mình.

Kim Chi

Bình luận của bạn