Những giai thoại huyền bí ít ai biết về Dinh Cậu Phú Quốc

Được biết đến là hòn đảo du lịch được yêu thích nhất Việt Nam, Phú Quốc mỗi năm tiếp đón hơn chục triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ngoài lý do biển đẹp thì du lịch Phú Quốc còn thu hút nhờ nhiều điểm tham quan ấn tượng. Nổi bật trong số đó chính là Dinh Cậu, nơi mà hằng ngày mọi người vẫn thường kể nhau nghe về những giai thoại ly kỳ, hấp dẫn.

Dinh Cậu, một trong những điểm đến hấp dẫn ở Phú Quốc

Dinh Cậu Phú Quốc hiện nằm tại khu phố 2, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. Đây được xem như điểm đến nổi bật đại diện cho một trong những điểm du lịch tâm linh của đảo Ngọc. Không ai biết rõ Dinh Cậu có từ thời gian nào, chỉ biết ngôi dinh hiện nay được xây dựng ngày 14/7/1937, và được trùng tu ngày 14/7/1997.

Dinh Cậu là một miếu cổ đơn sơ, do được trùng tu mới đây nên kiến trúc có phần thiên về phong cách hiện đại. Người dân ở đây thường gọi đây là Ngôi Miếu Long Vương. Tương truyền vào khoảng thế kỷ thứ 17, những cư dân đầu tiên từ miền Trung đến định cư. Nhiều ngư dân ra khơi và gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Bỗng nhiên họ trông thấy một mỏm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển và đã đáp được bờ. Người dân trên đảo cho là rằng đây là núi thiêng nên đã lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương biển cả. Họ bắt đầu đến đây thờ cúng và quả nhiên chuyến đi ra khơi gặp sóng êm biển lặng.Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến cầu bình an khi đi biển, từ đó hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này, và cái tên Dinh Cậu cũng ra đời từ đó.  

Một giai thoại khác lại nói rằng vào thế kỷ thứ 20, có một người đàn ông lạ xuất hiện ở ngôi miếu Long Vương. Ban đầu ông xin được tá túc trong miếu và làm những công việc quét dọn, chăm lo nhang đèn cho miếu. Người đàn ông này rất kỳ lạ không nói chuyện mà chỉ toàn ra dấu nên không ai biết quê quán, gốc gác ở đâu. Người dân trên đảo đoán ông là người từ đất liền ra đảo tìm nơi yên tĩnh tu hành. Cho đến một ngày sự kỳ lạ bắt đầu xuất hiện, người đàn ông này không ở trong miếu nữa mà lại chui xuống hang dưới lòng hòn đá lớn quy ẩn. Ông đã dùng đá tự lấp cửa hang không cho ai vào. Nhiều người sợ rằng ông sẽ chết đói nên đã đem cơm chay đến đặt trước cửa hang nhưng đến ngày sau vẫn thấy còn nguyên.

Ngoài ra nhiều người còn cho rằng Dinh Cậu còn liên quan mật thiết với tục thờ bà tổ tức tục thờ Mẫu và Cậu Tai – con trai út mà bà cưng nhất. Trong quá trình vào Nam khai hoang nhiều người đã gọi trệt đi “Cầu Tai” thành “Cầu Tài”. Cũng chính sự hiểu lầm này mà rất nhiều người mê cờ bạc lặn lội đường xa ra đến đây để cầu may mắn.

Khi đến đây bạn sẽ thấy ven cổng lên núi là một ngôi miếu Thổ thần. Nhìn gần vậy thôi nhưng bạn sẽ phải bước lên 29 bậc đá mới có thể lên đến miếu. Phía bên ngoài ngôi miếu thờ Long Vương, còn bên trong thờ Bà Chúa Ngọc cùng 2 cậu con trai là Cậu Tài, Cậu Quí.

Ngày nay mỗi khi đến dịp lễ lớn hay Tết Nguyên đán dân trên đảo và các chủ ghe tàu thường hay đến miếu viếng rất đông. Không chỉ vậy Dinh Cậu còn nổi tiếng là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở đảo ngọc Phú Quốc nữa đấy. 

Kim Chi

Bình luận của bạn