Những món ăn miền “sơn cước” không thể bỏ qua khi đi du lịch Mộc Châu

Nằm ở trên cung đường Tây bắc, Mộc Châu chính là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Và khi du lịch Mộc Châu du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ vĩ, các ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa đào, hoa mận ngút trời,... Bên cạnh đó, với cái tiết trời se se lạnh, trong những lớp sương dày thoát ẩn thoát hiện đã vẽ nên một bức tranh tiên giới vô cùng sống động và mê hoặc lòng người. Chính vì nét đẹp ấy mà không ít người nóng lòng tìm đến đây khám phá và trải.

Tuy nhiên có một lý do khác vẫn được nhiều người sẵn sàng vượt “ngàn trùng” xa đến miền sơn cước này đó là cơ hội thử qua những đặc sản Mộc Châu. Bởi từ lâu nơi này cũng được mệnh danh là thiên đường ẩm thực “vạn người mê”.

Những món đặc sản nổi tiếng ở Mộc Châu

Thịt trâu gác bếp

Thứ đặc sản đầu tiên mà ai ai cũng đều muốn thử qua khi đặt chân đến cao nguyên Mộc Châu đó là thịt trâu gác bếp. Đây là món ăn truyền thống của người Thái, bạn sẽ thường thấy nó xuất hiện ở những mâm cỗ ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt. Và không biết tự bao giờ “trâu gác bếp” đã trở thành thương hiệu của địa phương.

Ở cao nguyên trâu bò được chăn thả tự do, điều kiện môi trường mát mẻ cùng nguồn thức ăn dồi dào nên thịt của chúng thường rất săn chắc với vị ngọt tự nhiên không lẫn đi đâu được. Sau khi làm thịt trâu người Thái sẽ lóc thịt trâu thành từng miếng dài thái kiểu con chì rồi ướp với một số gia vị như mắc khén, ớt, gừng và chút muối. Sau đó họ sẽ đem treo những miếng thịt đó lên gác bếp, để cho chúng chín tự nhiên bằng sức nóng của khói bếp chứ không nấu chín trực tiếp trên lửa.

Thịt trâu gác bếp món đặc sản của miền “sơn cước” Tây Bắc

Khi miếng thịt trâu bắt đầu chuyển sang màu nâu sẫm là có thể dùng được. Xé miếng thịt ra bạn sẽ thấy bên trong vẫn còn màu đỏ tự nhiên. Khi nhai bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt cùng mùi thơm của khói củi núi đá và chút cay nồng của tiêu rừng. Nếu có thêm một chút rượu và nhâm nhi với những bạn hữu thì còn gì tuyệt vời hơn.

Ốc đá Suối Bàng

Ốc đá Suối Bàng Mộc Châu là một loại ốc hiếm ở Việt Nam. Loài ốc này thường ăn lá cây và có một đặc điểm là vùi mình trong những lớp lá dày. Chúng thường xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Khác với ốc bươu hay ốc nhồi, ốc đá Suối Bàng phát triển về chiều ngang, mình dẹp và có miệng loe ra màu trắng sữa.

Ốc đá Suối Bàng, một trong những món ăn quý hiếm ở Việt Nam

Thịt ốc không chỉ chắc, giòn và ngọt mà còn có hương vị đặc trưng của cỏ cây, lá rừng. Nhưng chúng khá là nhớt, nên người dân thường ít khi xào mà ngâm cho chúng nhả bớt dịch nhớt rồi đem luộc cùng xả ớt. Nước chấm dùng chung với ốc là loại nước mắm chua ngọt có chút tỏi và ớt, hương vị mà nhắc tới thôi cũng khiến người ta phải “ứa nước miếng”. Ngoài luộc, người ta dùng ốc để chế biến món canh.

Bê chao

Trên cao nguyên Mộc Châu không có gì nhiều bằng những đàn bò sữa và cả bò lấy thịt. Những chú bò chưa trưởng thành, khi còn nhỏ thường được gọi là bê. Bê cái thì sẽ được giữ lại để sinh sản giúp người dân kiếm lợi nhuận riêng những con bê đực khi không có nhiệm vụ duy trì giống sẽ bị loại ra để làm thực phẩm. Và cũng từ đó những món được chế biến từ bê vừa ngon lại vừa bổ dưỡng. Trong đó ấn tượng với người dân địa phương lẫn thực khách thập phương đó là bê chao.

Bê chao Mộc Châu ngon nhất là khi được chế biến từ những chú bê còn non, mới được sinh ra và còn bú sữa mẹ. Lúc này thịt bê rất ngọt, mềm và lại thơm trong khi miếng bì thì lại giòn tan khó cưỡng. Thịt bê sẽ thái nhỏ và ướp cho thấm đều các gia vị sao đó đem chao qua chảo dầu sôi. Phải để lửa thật to thì miếng thịt bê mới chín đều và không ngấm mỡ. Thịt bê vàng ươm, ngọt thơm khó tả, mùi gừng xả thơm nồng khiến người ta không khỏi xuýt xoa.

Nậm pịa

Đa số người dân sống ở vùng núi Mộc Châu là người Thái, nên bạn cũng đừng quá bất ngờ khi những món đặc sản nơi đây phần nhiều là của người Thái. Ngoài thịt trâu gác bếp kể trên thì một món ăn khiến du khách nhớ mãi miền sơn cước này chính là nậm pịa. Một món ăn được chế biến từ tiết bò hoặc tiết dê để đông, cuống tim, dạ dày và đuôi bò.

 Nậm pịa món ăn thách thức du khách với vẻ ngoài không mấy bắt mắt

Trong tiếng Thái, từ “nậm” có nghĩa là canh, còn “pịa” chính là thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò. Để món ăn được ngon người ta chọn một đoạn ruột non của con bò để lấy pịa, đổ vào đun cùng nước ninh lục phủ ngũ tạng. Cho thêm vào các gia vị như mắc khén, rau thơm, mùi tàu, tỏi, ớt, tiêu… để làm tăng hương vị cho món ăn. Sau đó đun sôi tất cả chúng trên bếp đến khi nào chúng sánh lại thì nhấc xuống và thưởng thức.

Thoạt đầu nhìn qua có vẻ du khách sẽ chẳng muốn dùng, bởi nó không thật sự bắt mắt, kèm theo đó lại có mùi hơi khó chịu. Nhưng nếu bạn đủ can đảm vượt qua thử thách này thì bạn sẽ cảm nhận được hương vị tươi ngon, đậm đà của nậm pịa. Giữa cái lạnh se sắt của vùng cao nguyên, thưởng thức một bát nậm pịa Mộc Châu nồng ấm, khiến bạn càng ăn lại càng ghiền, như một thứ bùa mê cứ khiến người ta nhớ hoài và nhớ mãi.

Cá suối Mộc Châu

Cá suối là món khoái khẩu của nhiều du khách khi đến du lịch Mộc Châu. Cá suối vừa bắt lên, để giữ vị ngọt của cá người dân nơi đây thường đem tẩm ướp gia vị rồi đem nướng vàng trên bếp củi.

Cá suối ở Mộc Châu tuy nhỏ nhưng lại có “võ”

Cá suối Mộc Châu thường khá nhỏ nhưng lại tươi ngon, không có mùi tanh.Sau khi làm sạch cá, người ta sẽ ướp chúng với mắc khén, muối, ớt và nướng trên than củi tới khi chín vàng đều. Cá suối nướng trên than hồng thơm ngon, giòn rụm mà bạn có thể ăn được cả xương vì xương nó khá mềm. Để tăng thêm độ hấp dẫn lúc ướp bạn có thể cho thêm một chút ớt vào cho có vị the the tê tê đầu lưỡi.

Cơm lam người Thái

Nếu như dân miền xuôi nấu cơm với nồi bằng điện thì đồng bào dân tộc Tây Bắc lại nấu cơm bằng những ống nứa. Theo người dân tộc nơi đây thì từ “lam” được hiểu đơn giản được nướng chín một cái gì đó bên trong ống nứa. và cái tên cơm lam cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Đó là món ăn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là những nơi có người Thái sinh sống như Mộc Châu. Món ăn nổi tiếng đến mức nếu chưa thử qua thì người người sẽ cười chê bạn là vẫn chưa đến “Mộc Châu”.

Cơm lam người Thái ở Mộc Châu thường được nấu từ loại gạo mẩy bóng, tròn hạt và rất thơm. Chúng sẽ được ủ đêm với một lượng nước vừa phải trong ống tre được bịt nút hai đầu. Sau đó người ta bắt đầu nướng những ống tre đó trên bếp củi cho đến khi ống tre cháy sém và xuất hiện mùi thơm là được.

Cơm lam và muối vừng sự kết hợp hoàn hảo

Để thưởng thức, bạn phải chẻ ống cơm ra thành nhiều mảnh, chẻ sao cho khéo để ống tre không vỡ vụn mà trông như một bông hoa bung nở. Dù lên đây thời điểm nào bạn cũng được thưởng thức món ăn này nhưng để có thể nếm qua món cơm lam ngon của vùng Tây Bắc thì nên đến vào mùa thu đông. Vì đây là thời gian gạo vừa được thu hoạch, tre nứa lúc ấy cũng mới phát triển nên vẫn giữ hương vị tự nhiên đặc trưng.

Pa pỉnh tộp (Cá nướng giập)

Góp mặt tiếp trong những món ngon ở Mộc Châu nữa đó là Pa pỉnh tộp, món ăn phổ biến trong các gia đình dân tộc Thái. “Pa pỉnh tộp” là tên gọi khác của món cá nướng giập của người Thái ở cao nguyên Mộc Châu. Cá được dùng phải là những loại cá nước ngọt như: chép, trắm, trôi…nuôi trong ao sạch hay sông hồ.

Pa pỉnh tộp, một loại cá nướng cực kỳ hấp dẫn của miền sơn cước

Cá được mổ dọc sống lưng, loại bỏ mật nhưng vẫn để nguyên nội tạng. Tiếp đến họ sẽ nhồi vào bụng cá các loại gia vị và một số loại rau có mùi: rau húng, hành tươi, xả ớt, mắc khén, gừng… Khi gia vị ngấm đều, họ luồn một đoạn tre qua miệng cá rồi đem nướng trên than hồng.

Cá chín vàng và có mùi thơm thì đem ra thưởng thức. Pa pỉnh tộp Mộc Châu sẽ ăn cùng cơm trắng hay xôi dẻo đều hòa hợp. Hương vị của núi rừng Tây Bắc dường như được thẩm thấu qua từng miếng cá.

Cá hồi

Dù không phải là món ăn truyền thống ở vùng núi cao Tây Bắc, nhưng những năm trở lại đây nhiều ăn từ cá hồi ở Mộc Châu lại khiến không ít thực khách phải điêu đứng” say mê.

Những món ăn được chế biến từ cá hồi nổi tiếng ở đây phải kể đến như cá hồi hấp, gỏi cá hồi, cháo cá hồi cá hồi chiên, lẩu cá hồi, hay xông khói theo phong cách Châu Âu. Dù là cách thức nào thì bạn cũng nên thử qua một lần để có thể cảm nhận độ tươi ngon của cá hồi Mộc Châu là thế nào.

Nộm da trâu

Với độ dai và dày da trâu thường được sử dụng để làm mặt trống ở nhiều nơi. Tuy nhiên một lần nữa cộng đồng dân tộc người Thái lại khiến chúng ta kinh ngạc khi chế biến nguyên liệu này thành món ăn đặc sắc mà chỉ cần nhìn thôi đã thấy thèm đó là món nộm da trâu Mộc Châu.

Món ăn này được chế biến khá công phu và tỉ mỉ, nó còn đòi hỏi người đầu bếp phải kiên nhẫn. Đầu tiên da trâu sẽ được hơ trên bếp lửa rồi ngâm trong nước lạnh một vài tiếng để làm mềm. Tiếp đến dùng dao thật sắc thái mỏng từng lát và trộn đều với các gia vị như lạc, rau húng, mùi tàu, mắc khén, đường muối,…

Điểm đặc sắc nhất ở món ăn này là vị chua. Không phải chua của giấm hay chanh, đó là vị chua của nước măng; một mùi chua nhè nhẹ, thanh thanh của măng rừng được ủ vừa đủ độ, đủ ngày. Tất cả hòa vào nhau tạo nên một phong vị vừa mộc mạc vừa dân dã, khiến ai ăn rồi không thể nào quên.

Cháo mắc nhung

Cháo mắc nhung được nấu từ quả mắc nhung. Đó là một loại quả cùng họ với cà chua nhưng lại bé chỉ bằng hạt đu đủ, loại quả này chỉ có ở vùng núi Tây Bắc. Khi mùa lúa vừa kết thúc cũng là lúc những trái mắc nhung chín mọng. Người dân sẽ đem chúng về rửa sạch đập dập trộn cùng ớt, gừng băm nhuyễn.

Cháo sẽ được nấu từ nước ninh xương sườn, gạo được chọn cũng là loại thượng hạng, thường là loại gạo non hoặc tẻ thơm. Khi cháo vừa chín tới, người ta cho hỗn hợp quả mắc nhung đã trộn cùng gia vị vào cùng một củ xả để nguyên vào nấu cùng. Sau vài phút, món cháo mắc nhung Mộc Châu thơm ngon đã sẵn sàng làm ấm lòng bạn trong những ngày gió lạnh của Tây Bắc.

Xôi sắn

Đây là món ăn rất bình dị của đồng bào sinh sống nơi đây, từ già đến trẻ ai ai cũng đều yêu thích. Sắn sau khi làm sạch được nạo nhỏ, trộn cùng gạo nếp và cho lên đồ. Chõ đồ xôi của người Thái không làm bằng kim loại như ở miền xuôi chúng ta mà nó là gỗ.

Xôi sắn, món ăn bình dị nhưng ngon đến khó mà từ chối được

Người thợ đã khéo léo đục đẽo từng khúc thân cây để làm nên những chỗ xôi truyền thống, xôi vì thế không bị nát hay ướt mà luôn dẻo, khô. Khi chín, xôi sẽ được dàn mỏng ra một tấm lá chuối sạch để cho bớt nóng rồi cho vào những giỏ đựng bằng mây có nắp đậy, quai xách. Đều đặc biệt là xôi sắn Mộc Châu dù nguội cũng không bị cứng, chỉ cần chút lạp xưởng hay con cá nướng đã có một bữa ăn ngon miệng.

Thời điểm du lịch Mộc Châu

Việc chọn thời điểm đến khám phá Mộc Châu cũng là điều hết sức lưu ý. Bởi nếu đi đúng thời điểm bạn không chỉ được chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp và thiên nhiên mà còn được thưởng thức những món ngon đặc trưng tuyệt vời. Do đó khi quyết định đến thăm vùng cao nguyên Mộc Châu bạn nên nhớ các thời điểm quan trong sau:

– Trước và sau tết (tức là cuối tháng 1 - hết tháng 2): Nếu lên đúng dịp này bạn sẽ chìm đắm trong khung cảnh lãng mạn ngập tràn hoa đào và hoa mận.

Mùa hoa đào Mộc Châu, thiên đường hạ giới là đây

– Tháng 3: Một bức tranh thủy mặc với sắc trắng bao phủ khắp miền đòi núi là những gì bạn sẽ chứng kiến khi đến vào thời gian này. Ngoài ra, bạn còn được hiểu rõ hơn về tập tục của các đồng bào nơi đây qua “Lễ hội hết chá” vào 26/3.

– Còn nếu bạn lên đây vào thời điểm từ tháng 4 tới tháng 8 thì sao? Sẽ ngắm được gì và chơi được gì? Và câu trả lời đó là được ngắm vẻ đẹp mùa hoa anh đào, hoa mận. Đặc biệt vào thời điểm này bạn còn được đến thăm và khám phá các trang trại bò, các khu du lịch Nông nghiệp.

– Tháng 9: Những bạn nào muốn tìm hiểu về văn hoá lịch sử thì hẳn không nên bỏ qua chuyến khám phá Mộc Châu vào tháng 9. Vì đây là lúc Mộc Châu có nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa nhất, tiêu biểu nhất là lễ hội Tết Độc Lập, một trong nết văn hoá truyền thống lâu đời ở đây.

Tháng 11: Là thời điểm không gian ngập tràn màu trắng của hoa cải, khiến du khách như lạc vào một xứ sở thần tiên trong một câu chuyên cổ tích nào đó.

Giao thông (phương tiện và đường đi)

  • Phương tiện và đường đi đến Mộc Châu:

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 200 km, tới Mộc Châu bạn có thể lựa chọn đi xe máy hoặc xe khách đều rất thuận lợi. Chỉ mất khoảng 5, 6 tiếng đồng hồ là bạn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng đất này.

– Nếu bạn thích hình thích du lịch bụi bạn có thể chọn phương tiện là xe máy. Xuất phát từ Hà Nội bạn sẽ đi thẳng đường Nguyễn Trãi qua Thanh Xuân hoặc Láng Hòa Lạc đến Xuân Mai và cuối cùng cứ việc chạy theo quốc lộ 6 qua Hòa Bình là đến địa phận Mộc Châu. Thời gian đi tầm khoảng 4 – 5 tiếng, còn nếu la cà chụp ảnh và nghỉ ngơi thì thời gian có thể nhỉnh lên 6 tiếng.

– Nếu không đủ kinh nghiệm phượt hay sức khỏe tốt để lái xe đường dài thì tốt nhất bạn nên lựa chọn cách di chuyển bằng xe khách. Bạn có thể xuất phát tại nhiều bến xe tại Hà Nội như bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa, nhà khách Sơn La (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội). Xe giường nằm chất lượng tốt chạy liên tục trong ngày có giá từ 150.000 – 180.000đ/khách.

  • Phương tiện đi lại ở Mộc Châu:

Có nhiều địa điểm vui chơi ở Mộc Châu, và hầu như những nơi này không nằm gần nhau. Nên nếu muốn khám phá hết miền sơn cước này bạn nên thuê xe. Dù là một vùng nông thôn hẻo lánh nhưng các dịch vụ nơi đây vẫn luôn được nhận xét là tốt. Nhưng bạn nên hỏi giá thật kỹ cũng như trả giá để tránh bị chèn ép giá (giá thuê xe ở các khách sạn tầm 150.000 đồng/ ngày).

Từ Mộc Châu đi Lào Cai cũng không xa lắm, nên nếu có dư thời gian bạn nên đến check in các điểm đến đẹp “không góc chết” ở Sapa.

Kim Chi

 

Bình luận của bạn