Danh sách các sân bay quốc tế tại Việt Nam

Có rất nhiều sân bay quốc tế ra đời với mục đích thương mại và du lịch được trải dài từ Nam ra Bắc trên đất nước Việt Nam.

Việt Nam là một đất nước tuy nhỏ nhưng lại có rất nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo cùng các di tích lịch sử vĩ đại, thu hút rất nhiều lượt khách du lịch quốc tế đến với đất nước này. Vì thế ngành hàng không tại đây cũng rất được chú trọng và ngày càng phát triển để phục vụ ngày càng nhiều nhu cầu đi lại của du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là danh sách các sân bay quốc tế tại Việt Nam mà bạn có thể tham khảo để chuẩn bị cho chuyến du lịch khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp này.

1. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (IATA: SGN, ICAO: VVTS) trước đây gọi là Phi trường Tân Sơn Nhứt là cảng hàng không quốc tế lớn nhất ở miền Nam Việt Nam. Sân bay này có diện tích 850 ha đứng thứ 2 về diện tích và đứng thứ nhất về công suất nhà ga. Đây là sân bay bận rộn nhất ở việt Nam với 38,5 triệu hành khách trong năm 2018. Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 8 km về phía bắc ở quận Tân Bình, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của cả miền Nam.

Hiện sân bay có 2 đường băng: đường băng 1 theo hướng 07L/25R với chiều dài 3.050 m, đường băng 2 theo hướng 07R/25L có chiều dài 3.800 m, cả hai đều có bề mặt bằng bê tông. Trong các tuyến mà sân bay cung cấp , tuyến thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội là tuyến bận rộn nhất ở Đông Nam Á và bận rộn thứ 7 trên thế giới, phục vụ 6.769.823 hành khách trong năm 2017. Sân bay này cũng là trụ sở của tất cả các hãng hàng không Việt Nam, là nơi đóng trụ sở của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam. Ngoài ra còn có rất nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động tại sân bay như Aeroflot, Air China, Air France, AirAsia, Air New Zealand, EVA Air, Japan Airlines,...

Một góc tại nhà ga của sân bay

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện có 2 nhà ga là nhà ga nội địa và nhà ga quốc tế.

Nhà ga nội địa với diện tích 40.048 m2, công suất phục vụ vào giờ cao điểm là 2.100 hành khách, nhà ga có 111 quầy làm thủ tục, 1 quầy làm thủ tục nối chuyến, 1 quầy hành lý quá khổ, 21 cửa lên máy bay, 8 máy soi chiếu hành lý xách tay, 10 cổng từ, 6 băng chuyền hành lý đến, 6 băng chuyền hành lý đi, 9 cửa kiểm tra an ninh, 2 thang máy, 10 thiết bị kiểm tra kim loại cầm tay được đưa  vào sử dụng có thể phục vụ tối đa 13 triệu hành khách mỗi năm.

Có rất nhiều hãng hàng không hoạt động tại sân bay

Nhà ga quốc tế được đưa vào sử dụng vào năm 2007 với diện tích 93.228 m2, công suất 15-17 triệu hành khách mỗi năm. Nhà ga có 80 quầy làm thủ tục, 1 quầy nối chuyến, 18 quầy thủ tục xuất cảnh, 20 quầy thủ tục nhập cảnh, 2 máy soi hải quan đi, 6 máy soi hải quan đến, 11 băng chuyền hành lý đến và đi, 18 thang máy, 20 thang cuốn, 43 máy soi chiếu, 20 cổng ra vào máy bay, có thể đáp ứng cùng 1 lúc 20 chuyến bay vào giờ cao điểm.

Các nhà ga đang ngày càng được nâng cấp và có dự định sẽ xây thêm nhà ga mới để giảm tải cho 2 nhà ga này.

Sân bay quốc tế Tân sơn Nhất đang ngày càng hoàn thiện về chất lượng dịch vụ cũng như mở rộng thêm nhiều cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho mọi nhu cầu của hành khách như wifi miễn phí, có các phòng chờ VIP, có khu ẩm thực, khu mua sắm, khu vui chơi trẻ em, khu nghỉ ngơi miễn phí cho hành khách, nhiều dịch vụ đang dần cải tiến với công nghệ hiện đại hơn giúp hành khách có thể dễ dàng sử dụng và làm thủ tục một cách nhanh chóng hơn.

2. Sân bay quốc tế Nội Bài

Sân bay quốc tế Nội Bài (IATA: HAN, ICAO: VVNB) là cảng hàng không lớn nhất của miền Bắc Việt Nam, phục vụ cho thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Đây là sân bay bận rộn thứ 2 sau sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với 27 triệu hành khách và 566.000 tấn hàng hóa trong năm2018. Sân bay này thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 35 km về phía Tây Bắc. Hiện sân bay có 2 đường băng: đường băng 11L/29R với chiều dài 3.200 m, bề mặt bằng nhựa đường, đường băng 11R/29L có chiều dài 3.800 m, bề mặt bằng bê tông. Hiện có 5 hãng hàng không nội địa và 22 hãng hàng không quốc tế có đường bay đến sân bay này, đây còn là trung tâm hoạt động chính cho Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, trước kia còn có Indochina Airlines, Air Mekong.

Sân bay quốc tế Nội Bài

Sân bay quốc tế Nội Bài có 2 nhà ga là nhà ga T1 và nhà ga T2:

Nhà ga T1 có 3 sân đỗ máy bay A1, A2, A3 với tổng diện tích là 165.224m2, nhà ga có 4 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích 90.000 m2. Năm 2013, sân bay mở thêm sảnh E, được kết nối với sảnh A thông qua hành lang kín kéo dài, giúp giảm tình trạng quá tải tại sân bay. Công trình này có 5 cổng đi và 2 cổng đến với 3 tầng và 1 tầng lửng. Tầng 1 dành cho khách nội địa đi và đến, là khu vực trả hành lý và chuyển hành lý đi. Tầng 2 là khu nội địa check-in, dịch vụ, phòng khách VIP. Tầng 3 là khu văn phòng kỹ thuật. Sảnh E bao gồm 38 quầy làm thủ tục cho hành khách và hệ thống an ninh liểm soát.

Nhà ga T2 khai trương vào năm 2015 với diện tích 139.000m2 gồm có 4 tầng, công suất 10 triệu hành khách mỗi năm, ngày cao điểm có thể phục vụ tới 30.000 hành khách và 230 chuyến bay. Nhà ga được thiết kế theo mô hình dạng cánh, hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sánh thiên nhiên để tiết kiệm năng lượng. Tại đây có 17 cửa ra máy bay, 96 quầy thủ tục, 88 quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh, 14 ống lồng dẫn khách, 6 băng chuyền hành lý đến và 4 băng chuyền hành lý đi.

Sân bay quốc tế Nội Bài còn cung cấp các dịch vụ tiện ích với chất lượng tốt nhất, được bố trí ở khắp các nhà ga tại sân bay giúp hành khách có thể dễ dàng tìm thấy và trải nghiệm một cách thuận tiện và hài lòng nhất. Các tiện ích tại sân bay như dịch vụ thu đổi ngoại tệ, dịch vụ bưu điện, dịch vụ bách hóa, cửa hàng lưu niệm, nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ dành cho khách VIP, khách hạng thương gia, quầy thông tin hướng dẫn, dịch vụ y tế, dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, người già,...

3. Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Sân bay quốc tế Đà Nẵng (IATA: DAD, ICAO: VVDN) nằm ở Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung Việt Nam. Đây là cảng hàng không lớn nhất khu vực miền trung-Tây Nguyên và lớn thứ 3 của Việt Nam, nằm ở quận Hải Châu, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 3 km. Sân bay này có diện tích 842 ha, trong đó có 150 ha là khu vực hàng không dân dụng. Trong năm 2018, sân bay này đã đón tiếp 13.229.663 hành khách với 80.745 chuyến bay. Hiện sân bay có 2 đường băng: đường băng 17L/35R có chiều dài 3.500 m, đường băng 17R/35L, dài 3.048 m, cả 2 đều có bề mặt bằng nhựa đường. Có 3 hãng hàng không Việt Nam tại sân bay là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar và rất nhiều hãng hàng không quốc tế như AirAsia, Air Busan, Air Macau, Asiana Airlines, EVA Air, China Eastern Airlines,...

Sân bay quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không lớn nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam

Sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện có 3 nhà ga hành khách và 1 nhà ga hàng hóa:

Nhà ga nội địa do Công ty Cảng hàng không miền Trung làm chủ được đưa vào hoạt động năm 2011. Nhà ga có 3 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng là 36.600 m2. Nhà ga này bao gồm hệ thống xử lý hành lý, 5 ống lồng dẫn khách, 6 thang cuốn, 11 thang máy, các hệ thống điện tử chuyên dụng, hệ thống nhà máy năng lượng mặt trời, 40 quầy làm thủ tục và rất nhiều tiện nghi hiện đại khác. Nhà ga đang ngày càng được nâng cấp và mở rộng để tăng công suất phục vụ lên 15 triệu hành khách mỗi năm.

Nhà ga quốc tế do Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga Đà Nẵng làm chủ được mở cửa vào năm 2017. Nhà ga có diện tích sàn là 48.000m2, được thiết kê thành 2 khu vực đến và đi riêng biệt, có 52 quầy làm thủ tục, 20 quầy xuất cảnh, 20 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay, 4 cầu dẫn hành khách. Nhà ga hiện đang phục vụ 45 tuyens bay quốc tế đến và đi thành phố Đà Nẵng với hàng trăm chuyến bay mỗi ngày.

Nhà ga VIP được dùng để đón các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là nhà ga phục vụ những chuyên cơ của các nguyên thủ 21 nước thành viên APEC.

Nhà ga hàng hóa có diện tích 2.400 m2, trong đó diện tích nhà ga là 1.600 m2, diện tích sân bãi là 800 m2 có sức chứa 5 xe với trọng tải 9 tấn. Nhà ga này được bố trí 2 khu vực riêng biệt, trong đó khu vực hàng hóa đi trang bị 2 dây chuyền soi chiếu hàng hóa. Công suất nhà ga hiện tại là 100.000 tấn mỗi năm.

Bên cạnh những cơ sở hạ tầng cần thiết cho các nhà ga, tại đây còn có các dịch vụ tiện ích phục vụ đầy đủ mọi nhu cầu của hành khách với chất lượng dịch vụ chu đáo, tận tình và hiện đại nhất. Từ các tiện ích cơ bản như ATM, quầy thu đổi tiền, quầy thông tin, wifi miễn phí, các điểm sạc thiết bị điện tử, đến các dịch vụ như dịch vụ đóng gói hành lý, dịch vụ chăm sóc y tế, khu vui chơi trẻ em, khu ẩm thực, khu mua sắm,...được bố trí ở khắp các nơi tại sân bay để hành khách có thể dễ dang sử dụng.

Với danh sách các sân bay quốc tế tại Việt Nam bạn sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về các sân bay tại đất nước xinh đẹp này. Ngoài ra, tại đây còn có những sân bay quốc tế như sân bay quốc tế Cam Ranh, sân bay quốc tế Phú Quốc, sân bay quốc tế Cát Bi,... tuy đều là những sân bay nhỏ những với cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ đạt chuẩn sân bay quốc tế mà bạn có thể đặt chân đến nếu có cơ hội. Chúc bạn có chuyến du lịch đầy ý nghĩa tại đất nước Việt Nam.

Thanh Tình

Bình luận của bạn