Khám phá sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa cực chi tiết

Bạn nên tìm hiểu trước thông tin về sân bay Thọ Xuân trước khi có chuyến du ngoạn đến miền đất Thanh Hóa – điểm cực Bắc miền Trung nhé!

Du lịch Thanh Hóa là đến với vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” với địa danh “Hàm Rồng – Sông Mã”. Ai đã từn vào Nam ra Bắc, qua miền “đất lửa” năm xưa, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ, phát tích nền văn hóa Đông Sơn, hẳn còn lưu giữa hình ảnh cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng. Dòng sông xanh lặng lờ uốn khúc chở nặng phù sa, mang theo điệu hò neo đậu lòng người ngược xuôi của những chàng trai, cô gái xứ Thanh… Tuy nhiên, để chuyến đi thêm phần trọn vẹn và hấp dẫn, trước tiên, du khách cần “note” lại cho mình những thông tin về sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa trong bài viết dưới đây nhé

Một số nét chính về sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa

Cảng hàng không Thọ Xuân hay còn gọi là sân bay Sao Vàng – là một sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về phía Tây. Hơn nữa, đây còn là sân bay quân sự cấp I, căn cứ của Trung đoàn tiêm kích – Bom 923 (Đoàn Yên Thế). Ban đầu, có một đường băng dài khoảng 3200m, theo đề án, sân bay đã được tỉnh Thanh Hóa lập ra vào năm 2012, cảng hàng không Thọ Xuân sẽ được quy hoạch để phục vụ cho các hoạt động hàng không dân dụng kết hợp. Đề án đã được các bên liên quan phê duyệt và cấp quyết định đầu tư.

Ngày 5/2/2013, chuyến bay đầu tiên giữa Tp Hồ Chí Minh và Thanh Hóa đã hạ cánh xuống Cảng hàng không Thọ Xuân, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng này.

Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2017, cảng hàng không Thọ Xuân đã phục vụ hơn 865.000 lượt hành khách/năm.

Cảng hàng không Thọ Xuân – Thanh Hóa

Cũng trong năm 2017, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức mở đường bay thẳng từ Thanh Hóa đi Bangkok (Thái Lan). Những chuyến bay này được thực hiện theo hình thức bay charter (cho thuê chuyến), nhằm mục tiêu phát triển du lịch, đẩy mạnh giao thương, hợp tác đầu tư, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là tiền đề để đưa Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành Cảng hàng không quốc tế.

Sân bay Thọ Xuân sẽ được nâng cấp công suất giai đoạn đến năm 2013 từ 2.5 triệu khách/năm lên 5 triệu khách/năm. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu phương án đầu tư Cảng hàng không này, đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Thêm vào đó, Cảng hàng không Thọ Xuân còn là một trong những Cảng hàng không có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt khai thác. Nhà ga hành khách mới với trang thiết bị hiện đại, hệ thống hạ cánh chính xác và hệ thống đèn tín hiệu hàng không được đầu tư nâng cấp năng lực tiếp nhận, đảm bảo an toàn khai thác. Vì thế, cảng hàng không này có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống vận tải hàng không và bảo vệ vùng trời của Tổ quốc.

Lịch sử Cảng hàng không Thọ Xuân – Thanh Hóa

Trong thời kỳ chiến tranh

Cho đến trước năm 1945, trên địa bàn rộng lớn Thanh Hóa chỉ có sân bay nhỏ Lai Thành (gần thành phố Thanh Hóa hiện giờ) nhằm phục vụ cho hậu cần phát xít Nhật. Lai Thành chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn rồi để hoang. Hiện tại, đã kín đặc thổ cư lẫn thổ canh.

Năm 1965, do yêu cầu mở rộng mặt trận trên không của Trung đoàn Không Quân 923 vào Nam Khu Bốn, sân bay quân sự Sao Vàng đã ra đời tại huyện Thọ Xuân, nằm ở trung tâm tỉnh Thanh Hóa, và được đặt dưới sự quản lý của Trung đoàn tiêm kích – bom 923.

Với vị trí chiến lược quan trọng, cũng như tầm hoạt động của Trung đoàn 923 trở thành mục tiêu tấn công quan trọng của Không lực Hoa Kỳ. Trong thời kỳ đầu, đường băng của sân bay quân sự Sao Vàng rất dễ bị hư hỏng bởi không kích. Tuy nhiên, căn cứ không quân vẫn hoạt động và thậm chí, còn được nâng cấp đáng kể. Vào những năm 1980, sân bay Sao Vàng được mở rộng đường băng lên đến 2.800m và trở thành sân bay quân sự cấp I, một trong những căn cứ hoạt động của loại máy bay hiện đại SU-22.

Sân bay ngày nay   

Ngày nay, sân bay quân sự Sao Vàng  đã tiếp tục được nâng cấp đường băng, và trở thành một trong những căn cứ quân sự vô cùng quan trọng nhất của Không quân nhân dân Việt Nam, khi vẫn thực hiện chức năng bảo vệ và canh giữ không phận và hải đảo khu vực phía Bắc. Hiện nay, đây cũng là căn cứ của loại máy bay hiện đại nhất không quân Việt Nam – Su-30.

Nhà ga hành khách tại sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa

Khi hoạt động vào năm 2013, khu nhà ga hành khách quân sự có diện tích khoảng 1.150m2 đã được tu sửa và lắp đặt các thiết bị phục vụ khai thác hàng không, và phi hàng không như: cửa ra tàu bay, quầy thủ tục, băng chuyền hành lý đến, hệ thống chữa cháy tự động, máy soi chiếu an ninh để sử dụng cho việc khai thác tạm thời trong giai đoạn đầu. Cảng có quy mô sân bay cấp 4C, tiêu chuẩn phục vụ hành khách mức C của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).

Nhà ga hành khách sân bay Thọ Xuân

Năm 2014, tỉnh Thanh Hóa và tổng công ty Hàng không Việt Nam đã thống nhất phương án xây dựng nhà ga hoàn toàn mới. Theo quy hoạch, khu hàng không dân dụng Thọ Xuân có tổng diện tích là 45.8ha và được đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ được thực hiện khoảng 13.5ha nhằm mục đích xây dựng nhà ga – Cảng hàng không Thọ Xuân mới sẽ thay thế nhà ga hiện thời đang sử dụng. Nhà ga được thiết kế với kiến trúc mô phỏng theo hình ảnh cánh chim Lạc trên mặt trống đồng Đông Sơn. Tổng mức kinh phí đầu tư cho các dự án tại cảng hàng không Thọ Xuân là khoảng 600 tỷ đồng.

Cơ sở vật chất tại sân bay Thọ Xuân

Đường băng

Cảng hàng không Thọ Xuân có kích thước đường băng khoảng 3.200 x 50m. Kết cấu bê tông xi măng có chiều dài trung bình khoảng 36cm. Hệ thống đường lăn chính thức có kích thước khoảng 3.200 x 25m.

Hậu cần hỗ trợ tại sân bay

  • Sân đỗ máy bay: Cảng hàng không Thọ Xuân có sân đỗ dự định dành cho dân dụng hiện tại có thể được bố trí khoảng 13 vị trí đỗ tàu bay A320 hoặc 6 – 7 tàu bay B777, A330.
  • Kho tiếp nhiên liệu: Vào năm 2014, kho nhiên liệu cấp dầu hàng không tại Cảng hàng không Thọ Xuân có diện tích khoảng 19.200m2, được chia làm 2 giai đoạn xây dựng.

Cuối năm 2014, hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, giúp máy bay có thể bay vào ban đêm và hạ cánh trong những điều kiện khác nghiệt và xấu nhất.

Những hãng hàng không đang hoạt động tại sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa

Tính đến thời điểm hiện tại, sân bay Thọ Xuân đang khai thác các chuyến bay thuộc 3 tuyến bay nội địa gồm: Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa – Buôn Mê Thuộc, Thanh Hóa – Nha Trang với hoạt động của 3 hãng hàng không lớn là: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và một tuyến bay quốc tế Thanh Hóa – Bangkok.

Chi tiết cụ thể về các chuyến bay như sau:

Chuyến bay Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh

Có cả 3 hãng hàng không kể trên đều đang khai thác các chuyến bay từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và ngược lại. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 14 chuyến/tuần, Vietjet Air khai thác 21 – 18 chuyến/tuần và Jetstar Pacific Airlines khai thác 14 chuyến/tuần (2 chuyến/ngày).

Chuyến bay Thanh Hóa – Buôn Mê Thuột

Hiện nay, chỉ có Jetstar Pacific Airlines đang phục vụ các chuyến bay từ Thanh Hóa đi Buôn Mê Thuột và ngược lại, với tần suất khoảng 2 chuyến/tuần.

Chuyến Thanh Hóa – Nha Trang

Vietjet Air vừa đưa vào khai thác các chuyến bay khứ hồi từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến sân bay Cam Ranh (Nha Trang) và ngược lại, từ tháng 7/2016. Tần suất bay là 4 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hàng tuần.

Di chuyển từ sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa

Hành khách có thể lựa chọn cho mình nhiều phương tiện để di chuyển đến hoặc đi từ sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa, chẳng hạn như:

Taxi

Hiện nay, có một số hãng taxi hoạt động tại sân bay như: Mai Linh, Mekong, Bắc Trung Nam, Rạng Đông. Giá xe dao động khoảng 450.000đ/chuyến từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến sân bay và ngược lại. Du khách có thể lựa các dịch vụ đi chung taxi hoặc đặt taxi online sẽ được giảm giá.

Xe bus

Chuyến xe bus số 19 sẽ giúp bạn di chuyển từ Trung tâm thành phố Thanh Hóa đến sân bay. Giá vé là 15.000đ/hành khách với các chặng nhỏ hơn 20km, và khoảng 25.000đ/hành khách cho các chuyến dài hơn.

Xe khách

Những hãng xe khách thường tập trung đậu ngay bên ngoài nhà ga để có thể phục vụ hành khách di chuyển đến các huyện, thị xã khác của Thanh Hóa nhanh chóng. Giá vé sẽ dao động trong khoảng từ 50.000đ – 100.000đ tùy điểm đến.

Xe đưa đón của hãng hàng không Vietnam Airlines

Tùy từng chuyến du khách sẽ được miễn phí hoặc mất phí để có thể trở về trung tâm thành phố.

Xe ôm

Bạn có thể bắt được xe ôm ở ngay ngoài sân bay, nhưng bạn nên mặc cả để có giá phù hợp nhất cho chuyến đi của mình nhé!

Những tiện ích và dịch vụ tại sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa

Những tiện ích và dịch vụ tại sân bay Thọ Xuân cung cấp như:

  • Quầy giải khát, ăn uống

Dịch vụ tại sân bay Thọ Xuân vô cùng đa dạng

  • Rút tiền tại ATM
  • Sạc pin thiết bị điện tử

Nằm trên mảnh đất ruột thịt miền Trung, Thanh Hóa không chỉ là nơi lưu giữ những truyền thống lịch sử và nền văn hóa đáng tự hào, mà còn là một điểm nhấn du lịch đã đi vào thơ ca Việt Nam từ lâu. Vậy nên, nếu bạn đang có kế hoạch khám phá miền đất Thanh Hóa xinh đẹp trong thời gian sắp tới, ngoài việc sắp xếp lịch trình sao cho chi tiết nhất, bạn cũng đừng quên lưu lại những thông tin hữu ích về sân bay Thọ Xuân mà chúng tôi vừa chia sẻ trên đây nhé!

Bình luận của bạn